Thứ Tư, 11 tháng 12, 2013

Khai thác gỗ tự nhiên hợp pháp hoặc bất hợp pháp

CHỨNG CHỈ GỖ RỪNG TỰ NHIÊN HOẶC RỪNG TRỒNG
I. Sự cần thiết của chứng chỉ rừng
Do những tác động của con người như khai thác lâm sản (hợp pháp và bất hợp pháp), chuyển đổi đất lâm sàng trồng trọt và chăn nuôi, xây dựng, đô thị hóa v.v… nên diện tích rừng tự nhiên đã và đang bị giảm đi đáng kể. Theo ước tính của FAO, hàng năm diện tích rừng tự nhiên trên toàn cầu mất đi khoảng 9 triệu ha song đến năm 2001 diện tích rừng chỉ còn khoảng 11,3 triệu ha và diện tích đất không có rừng khoảng 8 triệu ha. Môi trường sống của nhiều loài động vật, thực vật rừng cũng không biến mất hoặc bị thoái hóa nghiêm trọng.

Thực tế cho thấy nếu chỉ có các biện pháp truyền thống như tăng cường luật pháp, tham gia các công ước… thì không thể bảo vệ được diện tích rừng tự nhiên hiện còn của nhân loại, nhất là rừng nhiệt đới tập trung chủ yếu ở các nước đang phát triển. Một trong những biện pháp quan trọng hiện nay, được cả cộng đồng quốc tế cũng như từng quốc gia đặc biệt quan tâm, kết hợp với các giải pháp truyền thống nêu trên là cần phải thiết lập quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng.

Theo tổ chức Gỗ nhiệt đới Quốc tế (International Tropical Timber Organisation): “Quản lý rừng bền vững là quá trình quản lý các khu rừng cố định nhằm đạt một hoặc nhiều hơn các mục tiêu quản lý đã được đề ra một cách rõ ràng như đảm bảo sản xuất liên tục những sản phẩm và dịch vụ của rừng mà không làm giảm đáng kể những giá trị di truyền và năng suất tương lai của rừng và không gây ra những tác động không mong muốn đối với môi trường và xã hội”. Trong khi đó theo Tiến trình Helsinki: “Quản lý rừng bền vững là sự quản lý và đất rừng theo cách thức và mức độ phù hợp để duy trì tính đa dạng sinh học, năng suất, khả năng tái sinh, sức sống của rừng và duy trì tiềm năng của rừng trong hiện tại và tương lai, các chức năng sinh thái, kinh tế, xã hội của chúng ở cấp địa phương, quốc gia và toàn cầu và không gây ra những tác hại đối với các hệ sinh thái khác”.

Như vậy, có thể khái quát rằng quản lý rừng bền vững phải đạt được sự bền vững trên cả ba phương diện: kinh tế, môi trường và xã hội.

Chứng chỉ rừng (Forest Certification) chính là sự xác nhận bằng văn bản - giấy chứng chỉ rằng một đơn vị quản lý rừng được cấp chứng chỉ đã được sản xuất trên cơ sở rừng được tái tạo lâu dài, không ảnh hưởng đến các chức năng sinh thái của rừng và môi trườn xung quanh và không làm suy giảm tính đa dạng sinh học.

Hiện nay, nhiều người tiêu dùng đã nhận thức được tầm quan trọng của các mặt hàng đồ gỗ được cấp chứng chỉ rừng, thậm chí hội người tiêu dùng tại Anh, Hà Lan còn có xu hướng tẩy chay sử dụng các loại hàng không có nguồn gốc xuất xứ. Nhu cầu đối với gỗ nhiệt đới đã được chứng chỉ ở thị trường châu Âu và Mỹ đã vượt quá cung. Hiện có hơn 8.000 sản phẩm trên khắp thế giới có mang biểu trưng của chứng chỉ rừng FSC (Hội đồng quản trị rừng thế giới) từ cửa gỗ đến lược chải đầu, từ văn phòng phẩm đến giấy toilet. Ngày nay, mạng lưới lâm sản toàn cầu, một nhóm các tổ chức và công ty cam kết sản xuất và buôn bán gỗ và lâm sản đã được chứng chỉ, đã có mạng lưới ở 18 quốc gia khác nhau trên khắp thế giới với hơn 600 thành viên. Theo kết quả thống kê nhu cầu sử dụng hàng có chứng chỉ rừng đã gia tăng với tỉ lệ 2-3% mỗi năm ở Anh. Ở Hà Lan có 500 công ty cùng với nhà nhập khẩu gỗ nhiệt đới lớn nhất ở châu Âu và lớn thứ 2 trên toàn thế giới, hiện đã cam kết chỉ mua sản phẩm đã có GSC. Các mạng lưới bán lẻ rất lớn từ Anh và Mỹ cũng hoạt động với vai trò xúc tác cho những thay đổi bởi họ đang gia tăng yêu cầu cung cấp gỗ đã được chứng chỉ.

Ví dụ về các công ty cam kết ưu tiên lâm sản đã chứng chỉ như Home Depot (thu nhập 30 tỉ USD, công ty nâng cấp nhà cửa lớn nhất thế giới); Lowe’s Companies, Inc. (nhà bán lẻ nâng cấp nhà cửa lớn thứ 2 trên thế giới); B&Q (một trong những nhà bán lẻ nâng cấp nhà cửa lớn ở Anh). Có thể nêu ở đây mục tiêu dài hạn của IKEA, một tập đoàn đang hoạt động mạnh tại Việt Nam, là đảm bảo rằng tất cả các sản phẩm gỗ tại IKEA đều có nguồn gốc từ các khu rừng đã được xác định là quản lý tốt. Bước đầu tiên trong việc đạt được mục tiêu này là yêu cầu tất cả những nhà cung cấp lâm sản thực hiện các yêu cầu tối thiểu sau: Gỗ sử dụng phải được sản xuất tuân thủ theo luật pháp và các quy định về hoạt động lâm nghiệp hiện hành; Gỗ sử dụng không được khai thác từ các khu rừng cổ xưa hoặc có giá trị bảo tồn cao, trừ phi khu rừng đó đã được chứng chỉ theo các nguyên tắc và tiêu chí của FSC hoặc một hệ thống tương tự. Bước thứ 2 để đạt được mục tiêu này là nới rộng các yêu cầu trên đối với các nhà cung cấp lâm sản khác. Để kiểm tra các thành tựu đạt được sau khi thực hiện các bước trên, IKEA sẽ thiết lập một hệ cho phép theo dõi hành trình gỗ trong sản phẩm tạo thành đến các đơn vị quản lý rừng cụ thể.

II. Các thông tin liên quan đến việc cấp chứng chỉ rừng 1. Cơ quan cấp chứng chỉ rừng
Cơ quan cấp chứng chỉ rừng là một tổ chức thứ ba, độc lập, có đủ tư cách và có trình độ nghiệp vụ được đông đảo các tổ chức môi trường, kinh tế và xã hội công nhận, được cả người sản xuất và tiêu dùng tín nhiệm.
Hiện nay, các tổ chức cấp chứng chỉ rừng chính trên phạm vi toàn cầu là:

  1. Tổ chức cấp chứng chỉ rừng liên Châu Âu (Pan-European Forest Certification-PEFC): hoạt động chủ yếu trên địa bàn châu Âu.

  2. Hội đồng quản trị rừng thế giới (Forest Sterwardship Council-FSC).

  3. Tổ chức cấp chứng chỉ rừng quốc gia Malaisia và Kerhout: hoạt động chủ yếu trong khu vực nhiệt đới.

  4. Hệ thống quản lý môi trường ISO 140001.

  5. Sáng kiến bền vững rừng Mỹ (American Sustainable Forestry Intiative)
Hội đồng quản trị rừng thế giới (Forest Sterwardship Council-FSC), hiện nay đã ủy quyền cho 10 cơ quan được cấp chứng chỉ rừng là:
  1. Anh quốc: SGS – Chương trình QUALIOR

  2. Anh quốc: Hiệp hội đất – Chương trình Woodmark

  3. Anh quốc: BM TRADA Certification

  4. Mỹ: Hệ thống chứng chỉ khoa học – Chương trình bảo tồn rừng

  5. Mỹ: Liên minh về rừng nhiệt đới – Chương trình Smartwood

  6. Hà Lan: SKAL

  7. Canada: Silva Forest Foundation

  8. Đức: GFA Terra System

  9. Nam phi: South African Bureau for Standards (SABS)

  10. Thụy Sĩ: Institute for Martokologic (LMO)
Tại Châu Á – Thái Bình Dương, công ty SmartWood/Rainforest Allliance (http://www.smartwood.com) và SGS Forestry (http://www.sgsqualifor) đã thực hiện phần lớn việc đánh giá và cấp chứng chỉ rừng (FSC). Đây cũng chính là các tổ chức đảm nhiệm việc cấp FSC tại Việt Nam.
2. Nhiệm vụ của FSC
Nhiệm vụ chính của FSC là thúc đẩy việc quản lý rừng trên thế giới một cách hợp lý về mặt môi trường, có lợi ích về mặt xã hội và kinh tế.
a. Lợi ích về môi trường:
Đảm bảo cho tất cả mọi người tham gia vào thương mại lâm sản rằng các đóng góp của họ sẽ giúp đỡ việc bảo tồn hơn là hủy diệt rừng, con người và cuộc sống thông qua các hoạt động.

  1. Bảo tồn đa dạng sinh học và các giá trị khác như nước, đất…
  2. Duy trì các chức năng sinh thái và thể thống nhát của rừng.
  3. Bảo vệ các loại động, thực vật quý hiếm và môi trường sống của chúng.
b. Lợi ích về xã hội:
Đảm bảo quyền con người được tôn trọng. Nhiệm vụ chính là yêu cầu có sự tham gia của nhiều thành phần có liên quan khi xây dựng bộ tiêu chuẩn quốc gia hay khu vực. Điều này có nghĩa rằng tất cả các hoạt động laâ nghiệp phải được sự đồng thuận cảu các nhóm dân tộc thiểu số hoặc cộng đồng địa phương. Ví dụ: các phương thức sử dụng rừng truyền thống như thu lượm hoa, quả, củi, vật liệu xây dựng hoặc cây thuốc phải được cân nhắc để đảm bảo cuộc sống của họ.

c. Lợi ích về kinh tế:
Đó là chủ rừng cần phải cố gắng đạt được cách sử dụng tối ưu và chế biến tại chỗ các sản phẩm đa dạng của rừng, giảm thiểu các tác động tiêu cực đến môi trường nơi khai thác và chế biến. FSC xây dựng 10 nguyên tắc và tiêu chuẩn cho quản lý rừng bền vững. Các nguyên tắc và tiêu chuẩn này phù hợp với tất cả các loại rừng: ôn đới, nhiệt đới, rừng tự nhiên và rừng trồng.

Từ các nguyên tắc và tiêu chuẩn đó, các quốc gia, khu vực tham gia vào tiến trình quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng sẽ xây dựng các bộ tiêu chuẩn quốc gia riêng để đánh giá và phù hợp với các điều kiện cụ thể của mình. Các bộ tiêu chuẩn này cần phải được sự phê chuẩn của FSC trước khi được sử dụng để đánh giá cấp chứng chỉ tại quốc gia hoặc khu vực đó.
3. Phạm vi áp dụng và lợi ích khi được cấp chứng chỉ rừng
Chứng chỉ rừng được áp dụng cho tất cả các đơn vị quản lý rừng với các quy mô lớn nhỏ bất kể là sở hữu nhà nước hay tư nhân. Đây là một quá trình hoàn toàn tự nguyện của các chủ rừng. Tuy nhiên, đánh giá cấp chứng chỉ rừng chỉ được áp dụng cho các đơn vị đang quản lý rừng sản xuất và đang hoạt động quản lý kinh doanh.
Các lợi ích khi một đon vị lâm nghiệp được cấp chứng chỉ rừng bao gồm:

  1. Gỗ được cấp nhãn FSC sẽ bán được giá cao hơn so với cùng loại không được cấp nhãn (thông thường giá cao hơn khoảng 30%).
  2. Có điều kiện tiếp cận với thị trường mới.
  3. Các đánh giá định kỳ của cơ quan cấp chứng chỉ sẽ giúp tìm ra các điểm mạnh, yếu trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
4. Quy trình đánh giá cấp chứng chỉ rừng
Theo chương trình Smartwood, quy trình đánh giá cấp chứng chỉ rừng gồm 10 bước cơ bản như sau:

  1. Đơn vị quản lý rừng làm đơn yêu cầu cho cơ quan đánh giá;
  2. Cơ quan đánh giá xây dựng dự toán, chi phí và đàm phán với khách hàng (đơn vị quản lý rừng);
  3. Khách hàng ký thỏa thuận với cơ quan đánh giá. Cơ quan đánh giá sẽ yêu cầu khách hàng ứng trước 60% chi phí cho dự toán để triển khai công tác đánh giá. Khi nhận được tiền, quá trình thực hiện bắt đầu;
  4. Cơ quan đánh giá cử chuyên gia lãnh đạo đoàn đánh giá. Chuyên gia này sẽ được cung cấp toàn bộ tài liệu liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của khách hàng và bộ tiêu chuẩn đánh giá đã được chấp nhận;
  5. Đoàn chuyên gia triển khai các hoạt động đánh giá tại hiện trường;
  6. Thảo luận và thông báo kết quả đánh giá sơ bộ với khách hàng;
  7. Gửi báo cáo sơ bộ cho cơ quan đánh giá;
  8. Cơ quan đánh giá sẽ tổng hợp thành báo cáo và sẽ gửi cho khách hàng để tham gia ý kiến (thời gian tối đa là 2 tuần), đồng thời cũng gửi cho các chuyên gia độc lập đánh giá và cho ý kiến;
  9. Chuyên gia chính sẽ tổng hợp, xây dựng báo cáo cuối cùng từ ý kiến của khách hàng và chuyên gia độc lập;
  10. Trình bày báo cáo cho Giám đốc cơ quan chứng chỉ ra quyết định cấp chứng chỉ.
Thời gian từ lúc bắt đầu đánh giá đến lúc kết thúc được cấp chứng chỉ thường mất khoảng 90 ngày. Chứng chỉ có giá trị trong 5 năm. Tuy nhiên, hàng năm cơ quan đánh giá thường tổ chức một đợt kiểm tra xem đơn vị quản lý rừng có tuân thủ liên tục các yêu cầu của tiêu chuẩn quản lý rừng bền vững hay không. Trong trường hợp khách hàng không tuân thủ các tiêu chuẩn quy định, chứng chỉ có thể bị thu hồi.

Chi phí trực tiếp của việc đánh giá rừng bao gồm phí đánh giá lần đầu và phí đánh giá hàng năm. Chi phí đánh giá gián tiếp có thể bao gồm chi phí gia tăng cho nhân viên, chi phí gia tăng cho việc kiểm soát rừng, việc lập kế hoạch quản lý phụ thêm, chi phí kiểm kê gia tăng và những thay đổi trong các phương pháp khai thác.
5. Chuỗi hành trình sản phẩm (Chain ò Custody – CoC)
Từ một cây gỗ, để có thể trở thành một thành phẩm gỗ, cần phải trải qua nhiều bước, bao gồm từ khai thác, chế biến và sản xuất sơ cấp và thứ cấp, phân phối và tiêu thu. Quá trình này được gọi là chuỗi-hành-trình-sản-phẩm. Bằng cách kiểm định từng bước trong quá trình này, chứng chỉ chuỗi hành trình sản phẩm (CoC) đảm bảo với khách hàng rằng các sản phẩm đã được chứng chỉ mà họ mua thực sự có nguồn gốc từ một khu rừng đã được chứng chỉ. Sản phẩm của các công ty đã được chứng chỉ chuỗi hành trình sản phẩm có thể được mang nhãn FSC.
Bước đầu tiên cho một công ty muốn thực hiện chững chỉ chuỗi hành trình sản phẩm là phải xác định tất cả điểm kiểm soát gỗ tập kết (CCP’s). Điểm kiểm soát gỗ tập kết là điểm mà gỗ nguyên liệu đã được chứng chỉ và chưa được chứng chỉ có khả năng bị trộn lẫn với nhau. Ở mỗi điểm đã xác định sẽ cần sự kiểm soát để đảm bảo rằng gỗ sẽ không bị trộn lẫn. Trong hầu hết các trường hợp, CCP’s sẽ bao gồm:

  1. Việc thu mua nguyên liệu gỗ
  2. Đầu vào tốt
  3. Kiểm tra trong sản xuất
  4. Hàng hóa thành phẩm và lưu kho
  5. Việc bán hàng
Cách thức mà CCp’s có thể ngăn cản được việc trộn lẫn gỗ đã được chứng chỉ và chưa được chứng chỉ là thông qua việc kết hợp xác nhận và xác minh gỗ, phân loại gỗ và chứng từ phù hợp, cùng với việc đào tạo chuyên môn đầy đủ. Hướng dẫn chứng chỉ chuỗi hành trình sản phẩm thay đổi tùy theo các cơ quan cấp chứng chỉ khác nhau và các chi tiết cần dẫn chiếu đến các cơ quan cấp chứng chỉ có liên quan. Do đó, mục tiêu của việc chứng chỉ chuỗi hành trình sản phẩm là cung cấp bằng chứng rằng sản phẩm được chứng chỉ có nguồn gốc từ các khu rừng đã được cấp chứng chỉ và quản lý tốt và xác minh rằng các sản phẩm đó không lẫn lộn với các sản phẩm từ các khu rừng chưa được chứng chỉ ở bất kỳ điểm nào của chuỗi cung cấp, trừ phi dưới sự kiểm soát nghiêm ngặt của cơ chế nhãn sinh thái tỷ lệ (%) mà sản phẩm đang được áp dụng. Nhãn sinh thái dựa trên tỷ lệ là một cơ chế mà lâm sản chỉ chừa một tỷ lệ nhỏ nguyên liệu gỗ được chứng chỉ vẫn có thể được dán nhãn nêu lên rằng chúng có nguồn gốc từ các khu rừng được quản lý tốt. Cơ quan chứng chỉ được ủy nhiệm đang tiến hành hoặc quản lý chương trình chứng chỉ này sẽ đưa ra hướng dẫn và giới hạn về các tuyên bố này trên nhãn sinh thái.

Chi phí trực tiếp của việc được chứng chỉ chuỗi hành trình sản phẩm (CoC) bao gồm chi phí đánh giá ban đầu và hàng năm. Chi phí gián tiếp có thể bao gồm khoản tăng thêm để phân loại sản phẩm, trang bị lại nhà xưởng và đào tạo nhân viên để đảm bảo tính riêng rẽ của sản phẩm.
III. Tình hình thực hiện chứng chỉ rừng Tại Việt Nam
Hiện nay, khoảng 27 triệu ha rừng (gồm trên 200 khu rừng thuộc 32 quốc gia) trên thế giới đã được cấp chứng chỉ của FSC và trên 600 chứng chỉ nhãn sinh thái đã được cấp cho các nhà sản xuất lâm sản.

Tại Việt Nam, từ năm 1998, Quỹ quốc tế về bảo vệ thiên nhiên (World Wide Fund for Nature – WWF) đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cục Phát triển Lâm nghiệp, Cục Kiểm lâm và một số cơ quan trong ngành lâm nghiệp trong việc tổ chức các hội thảo quốc gia về quản lý rừng bền vững. Từ đó đến nay, WWF Đông dương là tổ chức giúp đỡ chủ yếu về tài chính và kỹ thuật cho Tổ công tác quốc gia Việt Nam trong việc xây dựng bộ tiêu chuẩn quốc gia về quản lý rừng bền vững dựa theo các nguyên tắc và tiêu chuẩn của FSC.

Đến nay, Tổ công tác quốc gia đã hoàn thành dự thảo (lần thứ 6) bộ tiêu chuẩn quốc gia, bao gồm 10 tiêu chuẩn, 46 tiêu chí và 113 chỉ số cụ thể. Tuy nhiên, FSC cũng chỉ rõ là tất cả các bộ tiêu chuẩn quốc gia kể cả khi đã được FSC công nhận và áp dụng vẫn cần được xem xét sửa đổi bổ sung thường xuyên cho phù hợp với sự thay đổi của các điều kiện kinh tế xã hội và trạng thái rừng. Bản dự thảo này nhằm giúp cho các đơn vị và cá nhân quan tâm đến quản lý rừng có được các nhận thức cơ bản thế nào là một đơn vị quản lý rừng đạt đến mức quản lý bền vững theo các tiêu chuẩn quốc tế.

Bên cạnh đó, WWF cũng tích cực phối hợp với Tổ công tác quốc gia Việt Nam và các nhà tài trợ khác tiến hành xây dựng các mô hình thí điểm về quản lý rừng bền vững tiến tới đánh giá cấp chứng chỉ rừng cho một số địa phương như:

  1. Tỉnh Đắc Lắc: Năm 1999, mời chuyên gia đánh giá của FSC tiến hành tiền khảo sát, đánh giá tại 6 lâm trường,. Chuyên gia FSC đã đưa ra một số khuyến nghị đối với tỉnh, lâm trường nhằm thực hiện à đáp ứng được các tiêu chuẩn về quản lý rừng bền vững.
  2. Tỉnh Kon Tum: WWF và TFT/Scancom thực hiện dự án về bảo tồn đa dạng sinh học và quản lý rừng bền vững tại huyện Kon Plong.
  3. Tỉnh Gia Lai: Cùng với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn xây dựng mô hình về quản lý rừng bền vững tại một số Lâm trường; tiến hành đánh giá thử nghiệm bộ tiêu chuẩn quốc gia tại 2 lâm trường Sơ Pai và hà nừng. Sắp tới, WWF sẽ mời chuyên gia của FSC tiến hành tiền khảo sát, đánh giá lại các lâm trường nói trên.
  4. Tỉnh Nghệ An: Cùng với Tổ công tác quốc gia tiến hành nhiều chuyến khảo sát, đánh giá bộ tiêu chuẩn quốc gia tại một số lâm trường.
  5. Tỉnh Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam đã xây dựng và tìm kiếm nguồn tài trợ kinh phí cho một số dự án nghiên cứu đánh giá về khai thác gỗ bất hợp pháp, xây dựng các mô hình về rừng quản lý bởi cộng đồng tại một số vùng trọng điểm.
Để tìm hiểu thêm thông tin về chương trình FSC tại Việt Nam, xin liên hệ đến các địa chỉ sau:
WWF Chương trình Đông Dương
53 Trần Phú, IPO Box 151, Hanoi, Vietnam
Tel: + 844 7338387
Fax: + 844 7338388
Email: public@wwfvn.org.vn
Website: www.findochina.org.vn

Quỹ rừng nhiệt đới
Rue Mauverney 28, 1196 Gland, Swizerland
Tel: + 41 22 999 00 00
Fax: + 41 22 999 00 02
Email: b.roberts@tropicalforesttrust.com
Website: www.tropicalforesttrust.com

Để biết thêm thông tin về bộ tiêu chuẩn chứng chỉ rừng xin liên hệ:
Dr. Nguyễn Ngọc Lung - Chủ tịch
114 Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội - Việt Nam
Tel: + 844 7541311
Fax: + 844 7560233
Email: vifa@netnam.vn

Các cơ quan cấp chứng chỉ:
Smartwood (Asia-Pacific)
Jeff Hayward, Regional Manager
JI. Astrajingga No. 7, Bogor, 16153 – Indonesia
Tel: 62-251-337417
Cell: 62-812-1101-402
Fax: 62-251-337417
Email: jhayward@smartwood.org
Website: www.smartwood.org

SGS Qualifor
141 đường Lý Chính Thắng, Quận 3
Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam
Giám đốc: Nguyễn Ngọc Khoa
Email: khoa_nguyen@sgs.com
Website: www.sgsqualifor.com

1 nhận xét:

  1. Quốc Duy cung cấp đầy đủ các loại máy chế biến gỗ trên thị trường, giúp viếc khi thác trở nên hiệu quả hơn nhé!
    máy cưa rong ripsaw cạnh thẳng

    Trả lờiXóa